Lễ hội Phết Hiền Quan 2023: Lên phương án loại bỏ phản cảm, bạo lực
VHO- Nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội, thu hút du khách và đặc biệt là để loại bỏ những hình ảnh phản cảm, bạo lực, xô đẩy, xung đột trong đánh Phết, UBND xã Hiền Quan vừa xây dựng Đề án Đổi mới công tác tổ chức và quản lý Lễ hội Phết xã Hiền Quan năm 2023. Một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh được hướng đến với nhiều kỳ vọng.
Cần tăng cường hơn nữa các giải pháp tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong lễ hội truyền thống
Góp ý dự thảo Đề án, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, trong công tác tổ chức, cần chú trọng đến đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội.
Chú trọng bản sắc truyền thống
Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao của Nữ tướng Thiều Hoa và để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần thượng võ của dân tộc, hằng năm, nhân dân xã Hiền Quan tổ chức lễ hội Phết vào ngày 12 -13 tháng Giêng. Phần lễ được thực hiện theo nghi thức truyền thống; phần hội có nội dung tổ chức đánh Phết, diễn tả lại cảnh luyện tập võ nghệ cho quân sĩ thuở xưa của Nữ tướng Thiều Hoa.
Lễ hội Phết Hiền Quan là một trong những điểm đến của tour du lịch về nguồn của ba tỉnh Phú Thọ - Lào Cai - Yên Bái. Những năm qua, lễ hội thu hút đông đảo du khách, tạo ấn tượng tốt đẹp; công tác tổ chức đã cơ bản đảm bảo về an ninh trật tự cho du khách, đảm bảo an toàn cho người tham gia đánh Phết... “Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc tổ chức đánh Phết tại lễ hội còn có những ý kiến trái chiều; số đông nhân dân và du khách tự do tham gia tranh Phết còn có những hình ảnh bạo lực, giẫm đạp lên nhau, gây phản cảm và làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội...”, dự thảo Đề án nhìn nhận. Có những mùa lễ hội, hội Phết Hiền Quan trở thành “điểm nóng” trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Cảnh tượng xô đẩy, giẫm đạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cả người tham gia cướp phết và du khách; đặt ra yêu cầu cần có giải pháp tháo gỡ.
Vì vậy, để tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của lễ hội, loại bỏ hình ảnh phản cảm, bạo lực, xô đẩy, xung đột trong đánh Phết, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ và UBND huyện Tam Nông, UBND xã Hiền Quan xây dựng Đề án tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan để thống nhất thực hiện. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm theo truyền thống, bản sắc văn hóa của vùng và theo phong tục, tín ngưỡng thờ cúng Thiều Hoa Công chúa. Phần hội (đánh Phết) được xây dựng kịch bản chi tiết, kết hợp cách đánh Phết truyền thống với cách đánh Phết hiện nay, cụ thể, phần kéo quân đánh Phết được thực hiện theo truyền thống. Phần đánh Phết được tổ chức tại khu vực Đồng Đám (sau Đền Nữ tướng Thiều Hoa), sử dụng một số thửa ruộng của nhân dân để làm sân đánh Phết, đảm bảo khô ráo. Sân Phết có diện tích khoảng 3.000m2, được BTC lễ hội cắm cây nêu làm ranh giới tranh Phết, khi quả Phết được đưa ra khỏi cây nêu là hết bàn Phết, quả Phết thuộc về người thắng cuộc; hết bàn Phết này đến bàn Phết khác cho đến khi hết 6 bàn Phết. Quanh sân Phết, ngoài khu vực cây nêu, bố trí 3 lượt hàng rào cùng lực lượng công an, an ninh bảo vệ, không để nhân dân, du khách tràn vào sân Phết.
Về lực lượng tham gia, BTC sẽ giao các trưởng khu dân cư tiến hành rà soát, lựa chọn, lập danh sách người tham gia đánh Phết từ các khu dân cư trong xã. Thành lập 2 đội chơi số lượng 100 người, mỗi đội gồm 50 người được tuyển chọn từ các khu dân cư.
Sự quá khích tạo nên những hình ảnh phản cảm trong lễ hội, cần giải pháp loại bỏ triệt để
Ứng xử văn hóa, không bạo lực
Đề án cũng cho biết, người được chọn tham gia đánh phết phải là người Hiền Quan, có hộ khẩu tại Hiền Quan, tuổi từ 18 - 45, là những người có nhân thân tốt, có sức khỏe, chấp hành quy định của BTC lễ hội...
Trong nhiều nội dung của Đề án, yếu tố ứng xử văn hóa, văn minh trong lễ hội được nhấn mạnh. Đề án xây dựng các phương án về hình thức đánh Phết, trang phục, thể lệ đánh phết, quy định việc ném chúi, lực lượng ổn định sân Phết, trong đó, lực lượng kiểm soát trong sân Phết sẽ xử lý các tình huống trên sân đảm bảo hai đội tranh Phết công bằng, khách quan, ứng xử có văn hóa và đặc biệt không để những hình ảnh phản cảm xảy ra trong quá trình hai đội tranh Phết...
Công tác tuyên truyền được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách. BTC cũng bố trí nhiều điểm loa, cụm loa, băng rôn, khẩu hiệu tại lễ hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; bố trí pa nô, băng rôn có hình ảnh trực quan sinh động treo, dựng tại khu vực trung tâm lễ hội, với những thông điệp như gạch chéo hình ảnh chen lấn, xô đẩy, xô xát nhau trong lễ hội… Khu vực dịch vụ được bố trí riêng, cách xa khu trung tâm lễ hội, không ảnh hưởng đến việc lưu thông, rước lễ. BTC cũng lưu ý nghiêm cấm bán hàng rong, dựng lều, quán trên trục đường hành lễ, lối ra vào đền, lối lên xuống sân đánh Phết, trên đê quanh đền...
Đặc biệt chú trọng là công tác đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường ở các thời điểm trước, trong và sau lễ hội. Đề án nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện tốt công tác phân luồng, tránh tình trạng ùn tắc giao thông trong thời gian tổ chức lễ hội; lực lượng an ninh thực hiện tốt việc bảo vệ trật tự trị an tại bãi Phết; ngăn chặn kịp thời những tình huống có thể xảy ra; xử lý nghiêm thành phần quá khích, lợi dụng lễ hội để giải quyết mâu thuẫn tại lễ hội. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy; kiểm soát thành viên tham gia đánh Phết theo quy định; quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa, hoạt động tín ngưỡng trong thời gian diễn ra lễ hội, loại bỏ mọi biểu hiện lợi dụng để hành nghề mê tín dị đoan, bói toán, sóc thẻ, đốt vàng mã, ăn xin, hát rong…
Góp ý dự thảo, Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản số 1211 gửi Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, theo đó đề nghị địa phương cần bổ sung phần đánh giá những hạn chế, nguyên nhân trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội nói chung và lễ hội Phết Hiền Quan trong thời gian qua, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục, hạn chế tối đa phát sinh, bất cập trong thời gian tới. Đề nghị thực hiện trình tự, thủ tục thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ. “Đề án đã tiếp nối được phương án đổi mới tổ chức lễ hội và các giải pháp triển khai thực hiện rõ ràng. Tuy nhiên, trong công tác tổ chức cần chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Đề nghị bổ sung sơ đồ sân Phết kèm theo Đề án và các quy chế cụ thể cho hoạt động đánh Phết tại phần hội...”, Cục Văn hóa cơ sở lưu ý.
Cục cũng đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, các Sở, ban, ngành của địa phương tập trung chỉ đạo có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội, đặc biệt là kiểm soát của trọng tài với các đội khi giành Phết; duy trì nhiều lớp hàng rào an ninh quanh khu vực sân Phết để tránh tình huống người dân và du khách tràn vào sân. Quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia đánh Phết, người tham gia lễ hội và có biện pháp xử lý kịp thời trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự. Theo đó, phải yêu cầu dừng việc tổ chức, ổn định trật tự mới được tiếp tục.
Đặc biệt, Cục Văn hóa cơ sở cũng chỉ rõ, cần chú trọng yếu tố thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức cá nhân có đóng góp tích cực cho lễ hội...
Địa phương tập trung chỉ đạo có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội, đặc biệt là kiểm soát của trọng tài với các đội khi giành Phết; duy trì nhiều lớp hàng rào an ninh quanh khu vực sân Phết để tránh tình huống người dân và du khách tràn vào sân. Quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia đánh Phết, người tham gia lễ hội và có biện pháp xử lý kịp thời trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự. Phải yêu cầu dừng việc tổ chức, ổn định trật tự mới được tiếp tục. (Cục Văn hóa cơ sở) |
PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN